Mục lục bài viết
Contactor là gì? Đây là thiết bị quan trọng trong các hệ thống điện dùng để đóng ngắt các tiếp điểm và tạo liên lạc trong mạch điện bằng nút nhấn. Hãy cùng Huỳnh Lai tìm hiểu chi tiết hơn về thiết bị này thông qua cấu tạo, nguyên lý hoạt động, thông số, cách phân loại và ứng dụng contactor nhé!
Contactor là gì?
- Contactor hay còn được gọi là công tắc tơ hoặc khởi động từ. Đây là khí cụ điện hạ áp đóng vai trò thực hiện việc đóng cắt thường xuyên các mạch điện động lực. Contactor là thiết bị điện cực kỳ quan trọng trong hệ thống điện.
- Contactor giúp điều khiển các thiết bị như động cơ, tụ bù, hệ thống chiếu sáng,… thông qua nút nhấn, chế độ tự động hoặc điều khiển từ xa.
- Thao tác đóng ngắt của contactor thực hiện nhờ cơ cấu điện từ, cơ cấu khí động hoặc cơ cấu thủy lực. Tuy nhiên thông dụng nhất vẫn là các loại contactor điện từ.
- Trong bài viết này chúng ta sẽ chỉ đề cập đến contactor đóng ngắt theo cơ chế điện từ.
Cấu tạo của Contactor
Contactor có 3 bộ phận chính:
- Nam châm điện: Gồm có cuộn dây dùng để tạo ra lực hút nam châm, lõi sắt và lò xo dùng để đẩy phần nắp trở về vị trí ban đầu.
- Hệ thống dập hồ quang: Hệ thống dập hồ quang giúp giảm tình trạng các tiếp điểm bị cháy và mòn dần khi chuyển mạch.
- Hệ thống tiếp điểm: Gồm tiếp điểm chính và tiếp điểm phụ
Tiếp điểm thường đóng là loại tiếp điểm ở trạng thái đóng (có liên lạc với nhau giữa hai tiếp điểm) khi cuộn dây nam châm trong contactor ở trạng thái nghỉ (không được cung cấp điện). Tiếp điểm này mở ra khi contactor ở trạng thái hoạt động và ngược lại là tiếp điểm thường mở.
Như vậy, hệ thống tiếp điểm chính thường được lắp trong mạch điện động lực, còn các tiếp điểm phụ sẽ lắp trong hệ thống mạch điều khiển của Contactor.
Nguyên lý hoạt động của Contactor
Dòng điện khi đi qua contactor cung cấp năng lượng cho nam châm điện. Khi đó, nam châm điện được cung cấp năng lượng sẽ tạo ra một từ trường giúp cho lõi của contactor có thể tự động ngắt nguồn điện khi có hiện tượng ngắn mạch.
Những thông số cơ bản của Contactor
- Dòng điện định mức: Là dòng điện đi qua hệ thống tiếp điểm chính của contactor khi đóng mạch điện phụ tải. Dựa theo giá trị này của dòng điện, mạch dẫn điện chính của contactor không bị nóng quá mức cho phép.
- Điện áp định mức: Là điện áp đặt trên hai cực của mạch dẫn điện chính của contactor.
- Khả năng đóng của contactor: Thông số này được đánh giá bằng giá trị dòng điện mà contactor có thể đóng thành công. Thông thường con số dao động từ 1 đến 7 lần giá trị dòng điện định mức.
- Khả năng ngắt của contactor: Thông số được đánh giá bằng giá trị dòng điện contactor có thể tác động ngắt thành công. Giá trị này khoảng từ 1 đến 10 lần dòng điện định mức.
- Độ bền cơ: Đây là số lần đóng ngắt khi không có dòng điện chảy qua hệ thống tiếp điểm của contactor. Nếu như vượt quá số lần đóng ngắt đó thì các tiếp điểm bị hư hỏng, không còn sử dụng được nữa. Contactor thường sẽ có độ bền cơ từ khoảng 5 triệu đến 10 triệu lần đóng ngắt.
- Độ bền điện: Đây là số lần đóng ngắt dòng điện định mức. Contactor có độ bền điện rơi vào khoảng 200.000 đến 1 triệu lần đóng ngắt.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa relay trung gian và contactor mà bạn nên biết
Phân loại Contactor
Có nhiều cách phân loại contactor theo nguyên lý hoạt động, theo kết cấu, dòng điện định mức, số cực, cấp điện áp,…
- Theo nguyên lý hoạt động: Contactor điện từ, hơi ép, thủy lực,… Thường thì ta gặp contactor kiểu điện từ.
- Theo dạng dòng điện: Contactor điện một chiều, contactor điện xoay chiều.
- Theo số cực: Contactor 1 pha, 2 pha, 3 pha, 4 pha. Loại phổ biến nhất vẫn là contactor 3 pha.
- Theo cấp điện áp: Trung thế, hạ thế.
- Theo chức năng: Contactor chuyên dụng cho tụ bù của hãng Schneider, Miko,…
Xem thêm: Tủ điện trung thế là gì? Vai trò của tủ điện trung thế
Ưu điểm của Contactor
- Contactor có kích thước rất nhỏ gọn cho nên có thể tận dụng được khoảng không gian hẹp. Dễ lắp đặt và thao tác ở những nơi mà cầu dao không thực hiện được.
- Giúp điều khiển đóng cắt từ xa, nhờ có vỏ ngăn hồ quang phóng ra bên ngoài nên an toàn tuyệt đối cho người thao tác.
- Thời gian đóng cắt nhanh, có độ bền cao, hoạt động ổn định,…
Vì những ưu điểm trên nên contactor được ứng dụng để điều khiển đóng cắt trong các mạch điện hạ áp. Đặc biệt, thiết bị này được sử dụng rất nhiều trong các nhà máy công nghiệp.
Xem thêm: Các thiết bị đóng cắt và bảo vệ mạch điện trong gia đình
Ứng dụng của Contactor
Trong công nghiệp: Contactor được dùng để điều khiển vận hành các động cơ hay thiết bị điện để đảm bảo an toàn khi vận hành hệ thống điện. Đây là cũng là một giải pháp tự động hóa bằng phương pháp cơ điện.
Contactor là thiết bị điện có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và cả dân dụng khi kết hợp với các thiết bị khác:
- Contactor điều khiển động cơ có chức năng cấp nguồn cho động cơ khởi động trực tiếp. Contactor khi kết hợp rơ le nhiệt để bảo vệ quá tải cho động cơ.
- Contactor điều khiển tụ bù: Giúp đóng ngắt các tụ bù vào lưới điện để bù công suất phản kháng.
- Ngoài ra còn contactor điều khiển đèn chiếu sáng, contactor kết hợp bảo vệ pha, contactor sao – tam giác,…
Hướng dẫn lựa chọn Contactor
Lựa chọn contactor cho động cơ
Để lựa chọn Contactor phù hợp cho động cơ cần phải dựa vào những thông số cơ bản như Udm, P , Cosphi
Ví dụ cụ thể như sau:
- Tải động cơ 3P, 380V, 3KW, tính toán dòng định mức theo công thức như sau:
- Idm = P / (1.73 x 380 x 0.85) ở đây hệ số cosphi là 0.85. Ta tính được: Idm = 3000 / (1.73 x 380 x 0.85) = 5.4 A
- Ict = (1.2 – 1.4) Idm.
- Từ đó, ta có: Ict = 1.4 x 5.4 = 7.56A
Nên chọn Contactor có dòng lớn hơn dòng tính toán.
Lựa chọn Contactor cho tụ bù
Dựa vào dòng điện định mức của tụ bù để lựa chọn Contactor cho phù hợp:
Ví dụ như: tụ 3 pha 415V 50kVAr có dòng định mức 69.6A.
Chọn contactor lớn hơn từ 1.2 lần dòng định mức của tụ = 6.9.6A x 1.2 = 83.52A.
Hy vọng qua bài viết này quý khách hàng đã có câu trả lời cho câu hỏi contactor là gì. Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với Huỳnh Lai để được tư vấn chi tiết về thiết bị điện này.